Tài liệu chuyên môn, Tài liệu khác

Bản tin xăng dầu thế giới 22/5

EIA: Tồn kho dầu của Mỹ giảm tuần thứ 6 liên tiếp

Vinanet – Tồn kho dầu thô của Mỹ giảm tuần thứ 6 liên tiếp, do những nỗ lực của OPEC để giảm nguồn cung dường như đang có kết quả trước khi tổ chức này nhóm họp trong tuần tới, tồn kho xăng và sản phẩm chưng cất cũng giảm.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ EIA cho biết tồn kho dầu thô giảm 1,8 triệu thùng trong tuần trước so với dự đoán giảm 2,4 triệu thùng.
Điều đó đã thúc đẩy giá tăng ngay lập tức sau số liệu này, với dầu thô của Mỹ vọt lên 49,5 USD/thùng trước khi thoái lui, giá vẫn thấp hơn mức đỉnh 53,76 USD/thùng hồi tháng 4 là 8%.
Các thương nhân và nhà đầu tư ngày càng tăng lo ngại về nguồn cung dư thừa nhiều tháng trong khi thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC và Nga được thực hiện.
Ngoài ra nguồn cung từ các quốc gia ngoài OPEC, như Mỹ đã bù cho số lượng bị cắt giảm. Trong tuần gần đây nhất, sản lượng của Mỹ đã giảm 9.000 thùng/ngày xuống 9,305 triệu thùng/ngày, lần giảm đầu tiên trong 13 tuần. EIA vẫn dự kiến sản lượng của Mỹ đạt trung bình 9,31 triệu thùng/ngày trong năm 2017.
Tồn kho dầu thô đi xuống sau khi đạt mức cao kỷ lục 535,5 triệu thùng vào cuối tháng 3/2017. Tổng tồn kho dầu của Mỹ hiện nay ở mức 520,8 triệu thùng, giảm 3%.
Nhập khẩu dầu thô của Mỹ tăng 577.000 thùng/ngày trong tuần trước, trong khi xuất khẩu tăng 400.000 thùng/ngày.
Một số nhà phân tích xem việc tồn kho xăng giảm là thất vọng do chúng chỉ giảm 413.000 thùng so với dự đoán trong thăm dò của Reuters là giảm 731.000 thùng.
Carsten Fritsch, nhà phân tích dầu mỏ tại ngân hàng Commerzbank AG ở Frankfurt Đức cho biết tồn kho xăng chỉ giảm nhẹ do nhu cầu yếu và nhập khẩu tăng mạnh cho thấy sự sẵn có của dầu thô quốc tế bất chấp OPEC cắt giảm sản lượng.
Hoạt động lọc dầu thô tăng 363.000 thùng/ngày do mức độ hoạt động tăng 1,9 điểm phần trăm lên 93,4 tổng công suất. Nhà máy lọc dầu Gulf Coast của Mỹ tăng công suất hoạt động 3,1 điểm phần trăm lên 96,5%, mức cao nhất kể từ tháng 8/2015.
Tồn kho sản phẩm chưng cất, gồm dầu diesel và dầu sưởi, giảm 1,9 triệu thùng, so với dự đoán giảm 1,1 triệu thùng.
Tồn kho dầu thô tại Cushing, Oklahoma, kho cảng phân phối dầu WTI tăng 35.000 thùng.
Nguồn: VITIC/Reuters

Baker Hughes: Các nhà khoan dầu Mỹ bổ sung số giàn khoan tuần thứ 18 liên tiếp

Vinanet – Các công ty năng lượng Mỹ đã bổ sung số giàn khoan tuần thứ 18 liên tiếp, chuỗi tăng dài thứ hai trong lịch sử, do dự đoán giá dầu tăng là động lực cho các nhà khoan dầu tăng sản lượng dầu đá phiến hàng tháng lên mức cao nhất kể từ giữa năm 2015.
Các nhà khoan dầu đã bổ sung 8 giàn khoan trong tuần trước, lên tổng cộng 720 giàn, cao nhất kể từ tháng 4/2015, theo công ty Baker Hughes.
Số liệu này hơn gấp đôi so với cùng tuần một năm trước khi chỉ có 318 giàn khoan hoạt động. Đây là chuỗi tăng dài thứ hai, theo số liệu của Baker ghi nhận từ năm 1987. Các nhà khoan dầu đã bổ sung số giàn khoan trong 19 tuần liên tiếp tính tới tháng 8/2011.
Dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ phục hồi trong tuần này lên khoảng 50 USD/thùng. Các nhà đầu tư dự kiến Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ OPEC và các nhà sản xuất khác gia hạn cắt giảm sản lượng sang năm tới.
OPEC và các nhà sản xuất khác sẽ nhóm họp vào ngày 25/5 để quyết định liệu có gia hạn thời gian cắt giảm nhằm giảm lượng dầu thô dư thừa không.
Sản lượng dầu đá phiến của Mỹ được dự kiến tăng tháng thứ 6 liên tiếp trong tháng 6 lên 5,4 triệu thùng/ngày, cao nhất kể từ tháng 5/2015.
Các nhà phân tích tại Simmon & Co, chuyên gia năng lượng tại ngân hàng đầu tư Mỹ, Piper Jaffray, dự báo trong tuần này là tổng số giàn khoan dầu và khí đốt sẽ đạt trung bình 862 giàn trong năm 2017, 1.067 giàn trong năm 2018 và 1.184 giàn trong năm 2019. Hầu hết các giếng sản xuất cả dầu mỏ và khí đốt.
Nếu đúng dự báo năm 2019 của Simmons sẽ là cao nhất kể từ năm 2014, khi có 1.862 giàn khoan hoạt động. Theo Baker Hughes số giàn khoan đạt đỉnh 1.919 giàn trong năm 2012.
Giới phân tích tại công ty dịch vụ tài chính Mỹ Cowen & Co cho biết 60 công ty thăm dò và sản xuất E&P có kế hoạch tăng chi tiêu trung bình 51% trong năm 2017 so với năm 2016, sau khi ước tính sụt giảm 48% trong năm 2016 và giảm 34% trong năm 2015.
Nguồn: VITIC/Reuters

Giá dầu châu Á đi lên

Trong phiên giao dịch sáng 22/5, giá dầu châu Á tăng nhờ nhờ các thông tin rằng thỏa thuận cắt giảm sản lượng do OPEC dẫn dắt không những sẽ được gia hạn, mà có thể còn tăng lượng dầu cắt giảm.

Cụ thể, tại thị trường Singapore, vào lúc 7 giờ 35 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 25 xu Mỹ, hay 0,5%, lên 53,86 USD/thùng. Trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ tăng 29 xu, hay 0,6%, và được giao dịch ở mức 50,62 USD/thùng.

Giá dầu châu Á đi lên trong phiên sáng 22/5.

Giá dầu trong phiên này đi lên nhờ thị trường kỳ vọng rằng thỏa thuận cắt giảm 1,8 triệu thùng dầu/ngày tổng cộng – mà Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước sản xuất dầu ngoài khối này, trong đó có Nga, đã đạt được vào cuối năm ngoái – sẽ được gia hạn đến tháng 3/2018.

Theo nhiều nguồn tin, phương án cắt giảm thêm sản lượng cũng đã được thảo luận trước thềm cuộc họp của OPEC và các đồng minh của khối này, dự kiến sẽ diễn ra tại Vienna vào ngày 25/5 tới nhằm bàn định về chính sách sản xuất và xuất khẩu.

Ông James Woods, nhà phân tích đầu tư từ Công ty Rivkin Securities của Australia, cho rằng cần phải có một thỏa thuận cắt giảm sản lượng sâu hơn để hạn chế tình trạng dư cung, do sản lượng của Mỹ tăng mạnh đã làm “phương hại” những nỗ lực thắt chặt thị trường của OPEC.

Goldman Sachs hôm cuối tuần cho biết số giàn khoan dầu của Mỹ tiếp tục gia tăng trong tuần trước, và kể từ tháng 5/2016, số lượng giàn khoan của nước này đã tăng thêm 404 giàn, tăng 128%.

Sản lượng dầu của Mỹ đã tăng 10% (gần 900.000 thùng/ngày) kể từ giữa năm ngoái lên 9,3 triệu thùng/ngày.)

 

Khánh Ly (Theo Reuters