Tin Môi trường, Tin tức

XỬ LÝ CHẤT THẢI RẮN ĐÔ THỊ: CẦN MỘT TẦM NHÌN CHÍNH SÁCH

Đứng trước thực trạng rác thải sinh hoạt và đặc biệt là chất thải rắn (CTR) ngày một gia tăng song hoạt động thu gom, xử lý và tái chế vẫn chưa có hướng đi khả quan, các nhà nghiên cứu kinh tế thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách Việt Nam (VEPR) thông qua nghiên cứu cụ thể thị trường rác thải đã đề ra những khuyến nghị, một hướng chuyển biến về chính sách trong tương lai để giải quyết vấn đề này.

Điều chỉnh lại chính sách phân bổ kinh phí

Sau hàng loạt các nghiên cứu về công tác thu gom xử lý rác thải của các thành phố lớn, nhóm các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, chính sách về phân bổ kinh phí cho quản lý CTR hiện nay không khiến CTR  đô thị giảm đi mà thực tế khiến cho lượng CTR gia tăng nhiều hơn. Bởi các doanh nghiệp xử lý, vận chuyển sẽ được cấp kinh phí chi trả theo khối lượng. Trong khi đó, người dân chưa phải chịu đủ trách nhiệm với lượng CTR mà họ phát sinh ra.

Xử lý CTR đô thị Việt Nam hiện nay là mối quan hệ về tài chính giữa chính quyền và doanh nghiệp xử lý; trong khi đó, theo kinh nghiệm của các nước châu Âu và Singapore, thị trường này được tiến tới là mối quan hệ giữa doanh nghiệp thu gom – vận chuyển và doanh nghiệp xử lý CTR thông qua phí xử lý CTR. Nhà nước sẽ dần tiến tới không trả chi phí này cho các nhà máy xử lý CTR. Quan hệ thị trường này sẽ tạo động lực nhiều hơn cho các doanh nghiệp thu gom – vận chuyển, giảm lượng CTR xử lý, kèm theo đó, khối lượng CTR sẽ được cân đo chính xác không cần tới sự giám sát của Nhà nước như cơ chế của Việt Nam hiện nay.

Để thực sự có một thị trường xử lý CTR, cách phân bổ kinh phí sẽ phải định hướng lại theo cách: Người dân hoặc các cơ quan phát thải nhiều CTR sinh hoạt phải chịu trách nhiệm về lượng CTR mà mình phát sinh ra, bao gồm toàn bộ chi phí  quản lý từ thu gom, vận chuyển và xử lý CTR. Chính quyền địa phương chỉ chịu trách nhiệm chi trả chi phí quản lý CTR của công cộng như đường phố, khu vực công… và một phần trợ cấp cho người nghèo. Các doanh nghiệp thu gom – vận chuyển thu phí quản lý CTR của người dân, nhận kinh phí ổn định theo hợp đồng với chính quyền địa phương về quản lý CTR công cộng.

Các doanh nghiệp này sẽ thu gom, vận chuyển CTR đô thị tới khi xử lý CTR và trả chi phí cho DN xử lý CTR theo mức phí mà doanh nghiệp đã ký kết với chính quyền.

Để có thể phát triển thị trường quản lý CTR đô thị cần có chính sách quan tâm hơn nữa tới vai trò của doanh nghiệp. Có thể chia làm 2 nhóm chính, nhóm thứ nhất là các doanh nghiệp tư nhân tham gia hoạt động thu gom, vận chuyển CTR. Các doanh nghiệp này là trung gian trong quá trình quản lý CTR, kết nối với khu vực phát sinh và khu vực xử lý CTR và cũng là nhóm doanh nghiệp có khả năng phân loại, tái chế ngay sau thu gom từ người dân nếu tạo cho họ một động lực đủ lớn. Hợp đồng giữa doanh nghiệp thu gom – vận chuyển và chính quyền nên được ký kết dưới hình thức hợp lý, đảm bảo lợi ích ổn định cho doanh nghiệp. Cần khuyến khích cho doanh nghiệp tích tụ vốn, sáp nhập các doanh nghiệp, hình thành các khu vực thu gom rác thải lớn.

Nhóm thứ hai đó là các doanh nghiệp đã thực hiện xử lý CTR bằng các phương pháp hiện đại, có kỹ thuật cao. Chính các doanh nghiệp đã xử lý tốt các loại CTR ở Việt Nam sẽ có nhiều kinh nghiệm về cơ cấu phân loại rác ở Việt Nam, từ đó đưa ra các công nghệ xử lý phù hợp. Thị trường xử lý sẽ hình thành nên các nhà máy xử lý quy mô lớn (trên 1.000 tấn/ngày như ở TP. HCM), tận dụng lợi thế nhờ quy mô. Do đó, các chính sách hỗ trợ cũng nên theo hướng khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ hiện đại, công suất lớn.

Các doanh nghiệp Nhà nước  đang thực hiện nhiệm vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn cần được thu hẹp lại và chỉ đóng vai trò đảm bảo an ninh rác thải tại một số quận chính của các thành phố lớn trực thuộc TƯ, nhường chỗ kinh doanh CTR thương mại cho các doanh nghiệp tham gia.

Vai trò trực tiếp cung cấp dịch vụ xử lý CTR đô thị của chính quyền địa phương cũng nên được cân nhắc hợp lý với việc minh bạch trong tính toán đầy đủ các chi phí khấu hao đầu tư, lương cán bộ nhân viên… vào chi phí thực tế xử lý CTR của các khu xử lý mà Nhà nước đầu tư, so sánh với chi phí xử lý của các đơn vị khác, nhằm tăng hiệu quả xử lý và tính bền vững của ngân sách.

Như vậy, có thể thấy, khác với các hàng hóa thông thường, dịch vụ quản lý CTR đô thị là một loại hàng hóa công, do đó, cấu trúc thị trường có nhiều điểm đặc biệt về cơ chế chính sách và cần một cách nhìn dài hạn, thay đổi quan điểm Nhà nước can thiệp quá sâu vào khâu thu gom – vận chuyển cho tới xử lý; càng không thể để thế độc quyền cho một vài doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ này làm mất sức cạnh tranh. Nhà nước nên không trực tiếp cung cấp dịch vụ này mà chỉ đóng vai trò tạo cơ chế bình đẳng, giám sát hoạt động cung cấp dịch vụ của bên cung ứng.

Nhà nước cũng cần nhận thấy những xu hướng của thị trường, từ đó sử dụng các công cụ thể chế như: thuế suất, giá dịch vụ, trợ cấp, dựa vào lực lượng thị trường để đạt được mục đích giảm thiểu lượng chất thải rắn sinh hoạt và xử lý chất thải rắn hợp vệ sinh.

 

Theo Báo TNMT